This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Kẻ khóc người cười vì Anh chọn 'chia tay' EU

Việc Anh rời EU có thể tạo cơ hội để một số thành viên của nhóm hợp tác chặt chẽ hơn song cũng tạo ra không ít thách thức đối với quá trình hội nhập trong khối.
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6, đa số người dân Anh nhất trí với phương án rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Điều này không có nghĩa họ sẽ ra đi ngay lập tức, nhưng sớm muộn, nước Anh cũng sẽ không còn là một phần của EU, theo Vox.
Theo kế hoạch, "cuộc chia tay" giữa Anh và EU dự kiến diễn ra trong vòng hai năm. Chính phủ Anh cùng với EU sẽ bàn thảo để tìm ra các biện pháp nhằm ổn định mối quan hệ kinh tế, tài chính cũng như xây dựng một khuôn khổ mới nhằm giải quyết câu hỏi nước Anh sẽ liên quan tới khối như thế nào.
Đứng trước một bước thay đổi lịch sử gây nhiều tranh cãi, tình thế "kẻ khóc, người cười" là điều không thể tránh khỏi. Bên ủng hộ hân hoan trong khi phe phản đối chắc chắn không tránh khỏi tâm lý thất vọng, hoang mang, quan sát viên Matthew Yglesias bình luận.
Kẻ thắng
Giới chuyên gia nhận định các nước Nam Âu là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone sẽ là bên hưởng lợi khi Anh rời EU. Nhà kinh tế học người Anh Andrew Lilico cho rằng việc nước này ra đi sẽ tạo cơ hội để những phần còn lại thuộc EU hội nhập sâu hơn vào hoạt động của khối.
Theo Vox, Eurozone là khu vực tương đối kỳ lạ. Việc nhiều quốc gia sử dụng chung một loại tiền tệ nhưng lại không có cùng hệ thống thuế hay phúc lợi tích hợp sẽ dẫn tới một hệ quả là khi một nước rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, họ sẽ không có lối thoát.
Một quốc gia thực sự độc lập khi đối mặt với khủng hoảng tài chính sẽ chứng kiến sự sụt giảm giá trị nhanh chóng của đồng tiền. Khi đồng tiền mất giá, đất nước đó sẽ lập tức biến thành một địa điểm thu hút khách du lịch, một nhà xuất khẩu hấp dẫn hay một thỏi nam châm lôi kéo nhiều nguồn đầu tư hơn. Nhờ thế, họ sẽ rút ngắn được thời gian khôi phục sau khủng hoảng.
Còn thành viên của hệ thống phúc lợi tích hợp liên bang, trong trường hợp gặp khó khăn về kinh tế, họ vẫn có thể duy trì sự ổn định nhờ dòng tiền liên bang đổ vào để giữ vững hệ thống y tế, hưu trí và trợ cấp thất nghiệp. Chính quyền địa phương không gánh việc giải cứu nợ nhưng sẽ hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề ổn định trở lại, đồng thời giữ cho các doanh nghiệp sống sót.
Tuy nhiên, các nước thành viên Eurozone thì khác. Họ đang lấp lửng giữa hai thái cực. Họ không phải là những quốc gia độc lập hoàn toàn và cũng không được tích hợp vào một nhà nước phúc lợi chung. Điều đó đồng nghĩa khi gặp khủng hoảng, họ nắm trong tay rất ít công cụ đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế.
Để tiến tới một nhà nước phúc lợi tích hợp là một dự án dài hơi đối với họ và chắc chắn không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Song việc Anh rời EU sẽ là động lực lớn thúc đẩy quá trình trên nhanh chóng thành hiện thực, Yglesias đánh giá.
Nền kinh tế Anh nhìn chung giàu có hơn các nước thành viên EU. Như vậy, người dân nước này khi tham gia EU có thể phải trả mức thuế cao hơn trong khi chỉ nhận được những dịch vụ tương đương, Đây là lý do vì sao Anh lâu nay tỏ ra chần chừ, hoài nghi, không muốn EU hợp nhất chặt chẽ hơn. Vậy nên, với một châu Âu không có Anh, người ta hoàn toàn có thể nghĩ tới viễn cảnh mà ở đó EU đạt đến một mức độ thống nhất cao về cả hệ thống tài chính lẫn thể chế.
ke-khoc-nguoi-cuoi-vi-anh-chon-chia-tay-eu-1
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters
Người bại
Kẻ thất bại đầu tiên sau quyết định lịch sử này chính là nền kinh tế Anh. Trong ngắn hạn, quyết định rời EU của Anh sẽ bắt đầu một giai đoạn bất ổn và nhiều bấp bênh đối với nền kinh tế nước này. Những khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Anh tạm thời gián đoạn. Các nhà đầu tư án binh bất động để đợi xem điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn.
Đồng bảng Anh phải đối mặt với nguy cơ rớt giá. Giới phân tích cũng không loại trừ kịch bản nước Anh rơi vào suy thoái. Mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian diễn ra suy thoái nhanh hay chậm phụ thuộc vào những chính sách ngắn hạn của chính quyền Anh cũng như Ngân hàng Quốc gia.
Nhiều công ty đa quốc gia hiện có xu hướng đặt trụ sở làm việc ở châu Âu tại thủ đô London, Anh. Ngoài là một nơi lý tưởng để sống, cộng đồng dân cư nói tiếng Anh ở đây cùng mức thuế thấp so với tiêu chuẩn châu Âu biến Anh thành một địa điểm hấp dẫn để đặt trụ sở. Khi Anh còn là thành viên EU, các công ty nước ngoài hoạt động tại đây có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch khắp châu lục.
Những nhà vận động bỏ phiếu rời EU nói rằng sẽ cố gắng đàm phán để giữ lại lợi thế trên song không có gì đảm bảo họ sẽ thành công. Pháp dường như sẽ là nước phản đối bởi nếu các công ty đa quốc gia không thể đặt trụ sở ở London, họ sẽ chuyển hướng sang Paris. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với ngành dịch vụ tài chính, ông Yglesias nhấn mạnh.
Một nạn nhân nữa của Brexit là Thủ tướng Anh David Cameron, người đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức, bởi "không còn phù hợp để làm thuyền trưởng chèo lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo nữa".
Ông cho hay hiện chưa có lịch trình từ chức cụ thể, nhưng sẽ hướng đến "một thủ tướng mới khi hội nghị đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu vào tháng 10". Thủ tướng Anh có lập trường thân EU và ủng hộ phương án ở lại khối liên minh này.
ke-khoc-nguoi-cuoi-vi-anh-chon-chia-tay-eu-2
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, theo Yglesias, các nước Bắc và Đông Âu, những quốc gia có nhiều tầng lớp chính trị ủng hộ nhiệt tình quan điểm EU hợp nhất, cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định rời đi của Anh. Bị tác động đầu tiên sẽ là 6 thành viên sáng lập, gồm Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, cùng một số nước khác như Tây Ban Nha hay Hy Lạp. Những quốc gia này coi EU như nền tảng giúp họ đảm bảo tính ổn định của hệ thống chính trị.
Nhóm chịu thiệt thòi tiếp theo bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển hay các nước Đông và Trung Âu như Ba Lan hoặc Czech. Giống với Anh, họ đều lựa chọn không sử dụng đồng tiền chung của nhóm Eurozone.
Anh là quốc gia có tiếng nói quan trọng hơn cả trong nhóm chủ trương không sử dụng đồng tiền chung của Eurozone. Việc Anh ra đi sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của nhóm ở Brussels, tạo điều kiện cho trường phái tư tưởng hướng tới xây dựng EU thành "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết" giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận về chính sách tương lai, Yglesias dự đoán.

Rút khỏi EU, Anh có thể làm đảo lộn trật tự thế giới

 Việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể tạo ra nguy cơ làm đảo lộn trật tự thế giới thời hậu Thế chiến II do Mỹ và các đồng minh tạo dựng.

rut-khoi-eu-anh-co-the-lam-dao-lon-trat-tu-the-gioi
Người dân ủng hộ việc Anh ở lại EU biểu tình tại London. Ảnh: AP
Việc đa số người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU chỉ là một trong chuỗi diễn biến liên quan đến nhau, báo hiệu khả năng diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và ý thức hệ trên toàn cầu, theo New York Times.
Bình luận viên Jim Yardley đánh giá rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào những học thuyết kinh tế tự do, đặc biệt khi họ phải đối mặt với những chính sách kinh tế sai lầm và tình trạng nhập cư ngày càng gia tăng.
Chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến tại các quốc gia phương Tây. Các đường biên giới ở Trung Đông bị xóa nhòa bởi các cuộc nội chiến và xung đột phe phái. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong việc khẳng định vị thế, còn nước Nga thì có những hành động mạo hiểm hơn. Tất cả những điều này đặt ra thách thức lớn chưa từng có đối với trật tự thế giới do Mỹ và các đồng minh phương Tây thiết lập sau Thế chiến II.
Nước Anh là một trụ cột cũng như là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích trong trật tự thế giới đó. Quốc gia này có vị trí quan trọng tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), giữ vai trò nhất định trong quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Giờ đây, việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) đã biến nước này thành biểu tượng cho những rạn nứt của chính trật tự thế giới đó. Việc London lựa chọn rời khỏi EU làm suy yếu vị thế của khối trên vai trò một thị trường chung lớn nhất thế giới cũng như một thành trì của nền dân chủ toàn cầu.
Việc này cũng làm suy yếu sự thống nhất thời hậu chiến mà các liên minh cần đến để duy trì sự ổn định cũng như kiềm chế chủ nghĩa dân tộc từng đẩy châu Âu vào một cuộc xung đột đẫm máu, vào đúng thời điểm chủ nghĩa này đang hồi sinh mạnh mẽ.
"Bản thân Brexit sẽ không xóa bỏ hoàn toàn trật tự quốc tế, nhưng nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu, làm xói mòn niềm tin vào trật tự vốn được các quốc gia đồng minh dày công tạo dựng", Ivo H. Daalder, cựu đại diện Mỹ tại NATO nhận định.
Hai ngày sau sự kiện Brexit, ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của 57 quốc gia thành viên. Ngân hàng này là cơ hội để Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng từ WB và IMF trong thị trường tài chính toàn cầu.
"Trong lịch sử, chưa bao giờ có đế chế nào có thể cai trị thế giới vĩnh viễn", tân chủ tịch của ngân hàng này, ông Jin Liqun, từng nhận định về Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington.
rut-khoi-eu-anh-co-the-lam-dao-lon-trat-tu-the-gioi-1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, ngày 25/6. Ảnh: AP
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 25/6 tiến hành một loạt cuộc hội đàm để cân nhắc phản ứng trước sự ra đi của nước Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm ngắn cấp nhà nước tới Bắc Kinh. Những năm gần đây, ông Putin cũng phải đối mặt với những rắc rối riêng trước sự cô lập về kinh tế, chính trị của châu Âu. Theo giới phân tích, cuộc bỏ phiếu Brexit của nước Anh là món quà bất ngờ cho ông chủ điện Kremlin.
"Ông Putin sẽ xoa tay sung sướng", nhà sử học Anh Timothy Garton Ash nhận định. "Một nước Anh buồn bực đã tung đòn vào phương Tây, vào những lý tưởng của hợp tác quốc tế, trật tự tự do và xã hội mở mà Anh từng cống hiến rất nhiều".
Sau lựa chọn ra đi của Anh, châu Âu đang phải đối diện với thách thức vừa củng cố đoàn kết vừa duy trì ảnh hưởng trên thế giới. Anh là một thành viên quan trọng của NATO, song nếu nền kinh tế của nước này bị suy yếu do quyết định rút khỏi EU, các thành viên khác trong khối có thể chịu áp lực đòi cắt giảm chi tiêu quân sự từ người dân.
"Lựa chọn của đa số người dân Anh cho thấy nội bộ châu Âu đã tồn tại nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết triệt để về bản chất. Những hệ quả về kinh tế và an ninh quốc phòng có thể sẽ làm đảo lộn trật tự thế giới đã tồn tại hơn 70 năm qua. Sự đảo lộn này là xu thế khó có thể đảo ngược", Alison Smale, cựu tổng biên tập International Herald Tribune của New York Times, nhận định
.